Theo dòng sự kiện

NAGAKAWA CHUNG TAY CÙNG CHÍNH PHỦ ĐÁP ỨNG CAM KẾT GIẢM TIÊU THỤ HCFC 

Tác giả: CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN NAGAKAWA 02:53, 20/12/2023

Chiều 18-12, tại khách sạn Marriott Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (HCFC) của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II). Đại diện Tập đoàn Nagakawa – Ông Trần Bá Đạt – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đã tham dự và tham luận tại hội thảo với vai trò là doanh nghiệp tiêu biểu ngành điện lạnh đã có những hoạt động tiên phong mạnh mẽ trong dự án.


Ông Trần Bá Đạt – Phó tổng GĐ Tập đoàn Nagakawa đại diện cho các doanh nghiệp điện lạnh tham gia Hội thảo

Trong giai đoạn 2018 - 2023, dự án đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ quản lý, loại trừ HCFC, tập trung vào các lĩnh vực: Điều hòa không khí, sản xuất thiết bị lạnh, sản xuất xốp cách nhiệt, dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa thiết bị lạnh và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, loại trừ sử dụng các chất HCFC. Kết quả đến nay, Việt Nam đã đáp ứng cam kết giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở. Lượng nhập khẩu từ năm 2020 đều dưới 2.600 tấn/năm.

Là doanh nghiệp điện lạnh tiên phong trong cam kết loại trừ công nghệ HCFC-22 trong sản xuất điều hòa không khí, chia sẻ tại hội thảo, Ông Trần Bá Đạt – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa cho biết, dự án đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả cho công tác bảo vệ tầng ô-dôn ở Việt Nam và thực hiện các mục tiêu tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Song song với đó, Tập đoàn Nagakawa cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) nói chung và Ban quản lý dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II đã có những sự hỗ trợ vô cùng chặt chẽ và hiệu quả để quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra đúng tiến độ và đạt mục tiêu đề ra.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, những kết quả trên có được nhờ sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi công nghệ đã quyết tâm vượt qua khó khăn và những diễn biến của thực tiễn để triển khai kịp thời các hoạt động.


Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội thảo

Ông Ahmed Eiweida, Trưởng Ban phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian qua. Dự án đã giúp nâng cao năng lực cho các bên liên quan, đồng thời, để lại nhiều bài học thực tiễn quan trọng đóng góp cho lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn HCFC, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao HFC trong thời gian tới.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được và tiếp tục lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã gửi Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư Montreal đề xuất Dự án Quản lý bền vững các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal (KIP I và HPMP III). Nội dung trọng tâm bao gồm: tiếp tục loại trừ tiêu thụ các chất HCFC trong lĩnh vực dịch vụ bảo trì, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí; Hỗ trợ cho việc tuân thủ nghĩa vụ giữ mức tiêu thụ ở mức cơ sở vào năm 2024 và loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HFC vào năm 2029. Nagakawa cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Chính Phủ tiếp tục đạt tới các mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo.

Tin tức liên quan